Dân tộc H’Mông có mặt ở khắp các vùng phía Bắc. Nét đẹp trong trang phục người dân tộc H’Mông chính là những bộ quần áo tự dệt bằng vải đủ màu sắc sặc sỡ. Những bộ trang phục này thể hiện được tính cách và con người dân tộc nơi đây. Với những màu sắc chủ đạo như xanh, đỏ, trắng, vàng của loại vải tơ tằm tạo nên những họa tiết đẹp mắt của bộ trang phục người H’Mông. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về đồng bào người Mông cùng với những chiếc váy xinh xắn và bộ quần áo đặc biệt. Nếu có dịp ghé thăm các tỉnh phía Bắc và gặp đồng bào dân tộc nơi đây, bạn hãy thử khoác cho mình những bộ trang phục lộng lẫy này nhé.
Mục Lục
Giới thiệu về đồng bào H’Mông
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009; tổng số người dân tộc H’Mông sinh sống tại Việt Nam có 1.068.189 người; đứng hàng thứ 8 trong bảng danh sách các dân tộc ở Việt Nam, cư trú tại 62 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Trong số đó số dân tộc H’Mông sinh sống tại tỉnh Bắc Kạn là 17.470 chiếm gần 7% dân số toàn tỉnh. Riêng tại vườn Quốc gia Ba Bể, dân tộc H’Mông sinh sống rải rác tại 10 bản làng lớn nhỏ nằm phía Bắc và phía Tây hồ Ba Bể.
Ngày nay, cũng giống như người anh em dân tộc Tày; một số bộ phận nhỏ dân tộc H’Mông cũng bắt đầu kết hợp trang phục dân tộc với quần áo hiện đại; giống dân tộc Kinh để tiện hơn cho việc sinh hoạt, sản xuất thường nhật.
Để thuận tiện cho hoạt động sản xuất thường nhật; dân tộc H’Mông kết hợp cũng kết hợp trang phục truyền thống với trang phục hiện đại
Nét đẹp ở trang phục nữ H’Mông
Phụ nữ H’Mông thường mặc áo bốn thân, xẻ ngực không cài nút; gấu áo không khâu hoặc cho vào trong váy. Váy là loại váy kín, nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra có hình tròn. Váy được mang trên người với chiếc thắt lưng vải được thêu trang trí ở đoạn giữa. Khi mặc váy thường mang theo tạp dề. Tạp dề mang trước bụng phủ xuống chân là ‘giao thoa’ giữa miếng vải hình tam giác và chữ nhật; phần trang trí hoa văn là miếng vải hình tam giác cân phía trên, miếng hình chữ nhật là màu chàm đen; kích thước tùy từng bộ phận người H’Mông. Phụ nữ thường để tóc dài quấn quanh đầu, có một số nhóm đội khăn quấn thành khối cao trên đầu. Đồ trang sức bao gồm khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, nhẫn.
Người Hmông có những đồ trang sức: khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn đồng, nhẫn bạc, nhẫn vàng. Nếu trên tay có 2 nhẫn là người đó đã có vợ hoặc có chồng. Phụ nữ thích dùng chiếc ô màu sắc đẹp, vừa có tác dụng che mưa, che nắng; và làm vật trang sức cho mình, tạo nên nét duyên dáng.
Nét đẹp trong trang phục nam
Trang phục nam thường mặc áo cánh ngắn ngang hoặc dưới thắt lưng, thân hẹp, ống tay hơi rộng. Áo nam có hai loại: năm thân và bốn thân. Quần nam giới là loại chân què ống rất rộng so với các tộc trong khu vực. Đầu thường chít khăn, có nhóm đội mũ xung quanh có đính những hình tròn bạc chạm khắc hoa văn; có khi mang vòng bạc cổ, có khi không mang.
Ý nghĩa hoa văn trên trang phục người Mông
Các đường nét trên trang phục của người Mông không chỉ là họa tiết thông thường để trang trí; nó còn có ý nghĩa kết nối quá khứ với hiện tại và những ước vọng, cảm xúc trong cuộc sống; để nhắc nhở nhau nhớ về lịch sử, văn hoá truyền thống của dân tộc. Bà Sùng Thị Máy, Phó Giám đốc HTX Dệt lanh xã Cán Tỷ (Quản Bạ); chia sẻ: Người Mông thường sống trên những triền núi cao nên họ chọn gam màu sắc sặc sỡ (xanh, đỏ, tím, vàng). Họ coi những màu sắc này sẽ mang đến may mắn, ấm no, hạnh phúc.
Qua đó, cũng thể hiện những khát vọng về một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Họa tiết trong trang phục của người Mông chủ yếu là hoa văn hình xoắn ốc; trái tim, hình vuông, chữ nhật, zích zắc và một số biểu tượng gắn liền với cuộc sống; như: Sấm chớp, dụng cụ lao động, con vật, các loài hoa…; được thể hiện qua từng đường nét uốn lượn trên thân áo, váy nhằm thể hiện sùng bái vạn vật bao quanh; mùa màng thuận lợi, sung túc, ấm no, hạnh phúc.
Đối với người Mông, trang phục của phụ nữ có ý nghĩa không chỉ bảo vệ sức khỏe, che thân; mà còn ẩn chứa nét riêng để làm đẹp và phân loại các dân tộc Mông khác. Đặc biệt, họa tiết trong trang phục của phụ nữ Mông còn mang đậm ý nghĩa tâm linh; là thước đo chuẩn mực xã hội, thể hiện rõ cá tính, cái độc đáo, không bị hòa lẫn trong các hoa văn dân tộc khác.