Ăn trầu là tập tục phổ biến tại Việt Nam. Tập tục có nguồn gốc từ xa xưa và được truyền cho đến ngày nay. Đến bây giờ lượng người ăn trầu cau không còn nhiều như trước, chủ yếu là những người cao tuổi như ông bà cha mẹ chúng ta. Ngoài ra trầu cau còn xuất hiện ở rất nhiều hoạt động văn hóa khác như thờ cúng hay cưới hỏi. Mỗi mâm cỗ cúng bái đều có trầu cau như một hình ảnh tượng trưng không thể thiểu. Trong dám hỏi cũng không thể thiếu cau trầu đâu nhé. Vì vậy trầu cau đã trở thành một phần đời sống tinh thần của người Việt.
Mục Lục
Sự tích trầu cau
Tục ăn trầu có từ rất sớm, nhưng phải đến cuối thế kỷ XV, sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp mới có ghi chép rõ ràng thành câu chuyện và mang ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc.
Trong sự tích trầu cau, có 2 anh em sinh đôi là Tân và Lang, do một hiểu lầm với chị dâu là Lưu Liên nên người em là Lang đã bỏ đi đến một dòng suối vì sầu não, cô đơn mà biến thành phiến đá vôi. Còn người anh tên Tân đi tìm em mình nhưng không thấy, quá đau lòng nên đã gục bên phiến đá mà hóa cây cau. Còn người vợ anh không tìm thấy chồng nên cũng vào rừng tìm, rồi biến thành lá trầu không bên cây cau và phiến đá.
Cả 3 cuối cùng chết đi đã được đoàn tụ, gắn bó bên nhau mãi mãi và kết thành miếng trầu đầy tình nghĩa, dòng máu đỏ tươi được tiết ra từ miếng trầu tượng trưng cho tình gia đình muôn đời thiêng liêng bền chặt.
Trong sự tích này, tác giả muốn giải thích cho mọi người hiểu một điều, dân tộc ta đã có một đời sống văn hóa cao ngay từ thời xa xưa, đời vùa Hùng (Theo Đại Việt sử lược, vào khoảng thế kỷ VII trước Tây lịch).
Ý nghĩa nhân văn của sự tích trầu cau
Ngay từ thuở đó, xã hội Việt Nam đã có truyền thống lấy gia đình làm gốc, anh em biết thương quý nhau, trên kính dưới nhường, vợ chồng lấy nhau vì tình nghĩa, người phụ nữ luôn thủy chung son sắt với chồng… Không phải đợi đến khi phong kiến Trung Hoa sang đô hộ, giáo hóa, thì dân ta mới biết thế nào là nghĩa và hiếu lễ.
Cũng bởi sự tích Trầu cau có ý nghĩa sâu sắc như vậy, nên tục ăn trầu cau của dân ta càng được thăng hoa và trở thành mỹ tục độc đáo, mang tính đặc thù của một nền văn minh cổ Đông Nam Á.
Cho đến bây giờ, trầu cau vẫn là những thứ không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt hiện đại, từ mâm cơm cúng gia tiên đến những lễ lớn nhỏ như cưới xin, ma chay, lễ hội….
Cũng chính bởi tình duyên của 3 người trong sự tích Trầu cau tuy đã chết mà vẫn keo sơn; thắm thiết nên trong mọi sự gặp gỡ của người Việt Nam; miếng trầu bao giờ cũng là đầu câu chuyện, để bắt đầu một mối lương duyên.
Những câu ca giao về trầu cau
Trong kho tàng thơ ca Việt Nam, có vô vàn những câu ca dao nói về hình ảnh trầu cau như:
“Cho anh một miếng trầu vàng
Mai sau anh trả cho nàng đôi mâm
Yêu nhau chẳng lấy được nhau
Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già
Anh về cuốc đất trồng cau
Cho em trồng ké dây trầu một bên
Mai sau trăm họ lớn lên
Cau kia ra trái làm nên cửa nhà”.
Người Việt ăn trầu như thế nào?
Người Việt ăn trầu thường có một bộ dụng cụ không thể thiếu gồm: cơi đựng trầu, bình vôi, chìa vôi, ống nhổ, dao bổ cau, ống ngoáy, chìa ngoáy… có thể được làm bằng vàng, bạc hay gốm và được chạm trổ khá tinh xảo thể hiện tầng lớp giàu nghèo theo từng thời kỳ khác nhau.
Việc têm trầu đòi hỏi sự khéo léo rất cao, một miếng trầu bao gồm cau, lá trầu, thuốc xỉa và vôi; và để miếng trầu đẹp thì các gấp nếp miếng trầu đều phải vuông vắn.
Cách ăn trầu cũng có nguyên tắc và sự phân biệt rõ ràng theo thứ bậc và độ tuổi. Nếu khách là người ở tuổi trung niên; có thể nhai miếng trầu trực tiếp và tận hưởng hương vị cay, thơm của miếng trầu. Nếu là người già; sẽ cho miếng trầu tiêm vào ống ngoáy để ngoáy cho mềm và sau đó mới nhai trầu.
Hiện nay không còn nhiều người biết ăn trầu nữa
Ngày nay, tục ăn trầu và mời trầu ít phổ biến như xưa; có chăng chỉ là lễ vật mang tính tượng trưng trong các ngày lễ.
Cô Lê Thị Hường (53 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ; “Đám cưới con tôi vừa rồi cũng sắm trầu têm cánh phượng khá đẹp để mời quan khách; nhưng chỉ có vài cụ cao tuổi biết ăn thôi; cả khay trầu mua mất khá nhiều tiền xong cũng để không đó”.
Bàn về việc phong tục ăn trầu đang ngày càng bị mai một trong văn hóa của người Việt; chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS Ngành văn hóa Trương Quốc Bình. Ông cho rằng:
“Ăn trầu là một phong tục lâu đời ở Việt Nam, nó không chỉ là văn hóa Việt đơn thuần; mà còn chịu ảnh hưởng giao lưu của các nền văn hóa khác, đặc biệt là Ấn Độ. Cho đến bây giờ, tục ăn trầu ở Ấn Độ vẫn còn rất phổ biến, bên cạnh trầu truyền thống; người ta còn sản xuất trầu công nghiệp bằng cách nghiền các nguyên liệu rồi đóng hộp bán ra thị trường.
Cau trầu còn là vật phẩm tượng trưng trong các dịp lễ tết
Ở Việt Nam, việc ăn trầu được tạo từ những nguyên liệu chính như quả cau, lá trầu; cái mỏ và những thứ khác như thuốc lào, vôi… Tuy nhiên, việc ăn trầu chỉ còn ở những phụ nữ cao tuổi ở nông thôn và đến giờ trầu cau chủ yếu được sử dụng để làm vật phẩm tượng trưng trong các dịp tết lễ như đám cưới, chứ không để ăn hàng ngày nên chúng ngày càng bị mai một đi.
Đồng thời, tục ăn trầu còn kèm theo cả tục nhuộm răng; bởi trước kia chuẩn mực đẹp còn được đo bởi hàm răng đen; nhưng xu hướng đó không còn phù hợp với thực tế hiện đại ngày nay nữa; nên đó cũng là lí do khiến tục ăn trầu không còn phổ biến.”
Tục ăn trầu liên quan đến tín ngưỡng
Tục nhai trầu cau không chỉ là văn hóa mà nó còn đi vào cả tín ngưỡng của người Việt. Điều đó thể hiện qua tập tục thờ ông Bình vôi. Chiếc bình vôi được xem như một người bạn tri kỷ của những ai ăn trầu bởi nếu thiếu vôi không thể làm nên cái màu thắm đỏ và sự say nồng thơm tho của miếng trầu cau. Chính vì vậy, những chiếc bình vôi luôn được thiết kế với những đường nét cầu kỳ điểm xuyết hoa văn đẹp mắt.
Sau khi sử dụng lâu ngày, lớp vôi cũ bám vào thành bình phía trong, cứng dần và khiến lòng bình bị hẹp lại rồi không dùng nữa. Theo tục lệ, thay vì vứt bỏ bình vôi đó đi; người ta sẽ mang bình đến bỏ dưới gốc cây cổ thụ hoặc ở đình làng. Vào những dịp lễ, Tết, người dân đến nơi đó thắp hương cúng ông Bình vôi như một cách thể hiện lòng kính trọng.