Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa độc đáo, riêng biệt được thể hiện qua cách sống, làm việc, ăn mặc hàng ngày. Với dân tộc Thái cũng vậy, hoa ban được xem là biểu tượng cho núi rừng miền Tây Bắc thì chiếc áo Cóm xinh đẹp lại tượng trưng cho nét đẹp phụ nữ dân tộc Thái. Đi qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, hiện tại, chiếc áo Cóm vẫn gắn bó với con người nơi đây. Nét độc đáo của trang phục này sẽ được giới thiệu ngay dưới bài viết này. Nếu có dịp khám phá tới vùng đất và con người nơi đây, bạn hãy chiêm ngưỡng thực tế vẻ đẹp của nó nhé.
Mục Lục
Ý nghĩa của trang phục người Thái
Dân tộc Thái không sống tập trung mà rải rác ở nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước Việt Nam. Người dân tộc Thái được chia thành hai nhóm đó là: Thái đen và Thái Trắng. Tuy có những quan niệm về văn hóa, phong tục khác nhau nhưng cả nhóm người Thái đen và Thái trắng; đều có nhiều điểm chung trong trang phục truyền thống mặc hàng ngày.
Một bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Thái; bao gồm: áo ngắn (xửa cỏm), áo dài (xửa chái và xửa luổng), váy (xỉn), thắt lưng (xải cỏm), khăn (piêu), nón (cúp), xà cạp (pepăn khạ); các loại hoa tai, vòng cổ, vòng tay và xà tích. Không chỉ có nước da trắng, người dân tộc Thái còn biết cách sử dụng trang phục; để khéo léo tôn lên vẻ đẹp của đường cong cơ thể vừa kín đáo, tế nhị. Mỗi một chi tiết trên trang phục của người dân tộc Thái đều có ý nghĩa riêng.

Áo Cóm – Nét đặc sắc của phụ nữ Thái
Dân tộc Thái được chia làm hai nhóm ngành là Thái trắng và Thái đen; trang phục váy áo Cóm vì thế cũng có sự khác nhau giữa hai nhóm. Áo Cóm của phụ nữ Thái trắng thì cổ áo có hình trái tim, nẹp vải đen; trong khi đó, áo Cóm của người Thái đen lại được may cổ tròn, cao, ôm khít cổ. Bộ váy áo Cóm được phụ nữ Thái sử dụng trong tất cả các hoạt động đời sống hàng ngày.
Trước đây, những chiếc áo cóm được người phụ nữ Thái cắt may đơn giản; tuân thủ theo đúng cách truyền thống như: áo được may bằng vải nhuộm chàm, dài tay… Ngày nay, áo cóm tuy vẫn đảm bảo những nét cơ bản, nhưng có thể sử dụng nhiều loại vải khác nhau; với nhiều màu sắc rực rỡ, tay áo có thể may bồng hoặc không.
Sự khác biệt của chiếc áo Cóm
Dù là thời điểm nào, chiếc áo cóm luôn được may bó sát người, gấu áo vừa chấm cạp váy, rất kín đáo; nhưng vẫn làm tôn thêm những đường nét trên cơ thể của người phụ nữ. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay; trang phục truyền thống của người Thái đen và Thái trắng không còn đóng kín trong nội tộc; mà có sự giao thoa văn hóa, hòa đồng văn hóa. Đây cũng là quy luật kết hợp giữa truyền thống – hiện tại và đổi mới của văn hóa dân tộc nói chung; và văn hóa trang phục nói riêng.
Điểm nổi bật nhất trên chiếc áo Cóm của phụ nữ Thái đó là 2 hàng khuy bướm; mang nhiều ý nghĩa về nhân sinh. Một bên là đại diện cho hàng khuy bướm đực, một bên là hàng khuy bướm cái được cài đan xen vào nhau; tạo thành một đường thẳng rất đẹp và nổi bật trên nền áo. Khuy bướm thường có 13 đôi, có nhiều hình dáng khác nhau; như: hình con bướm, con nhện, con ve hay hình lá cây… Hai hàng khuy này mang ý nghĩa về sự kết hợp của âm dương, sự trường tồn của giống nòi.

Những chia sẻ về chiếc áo Cóm
Chị Cà Thị Lan, bản Nghịu, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên; cho biết: Trong bộ áo Cóm của mình hàng cúc là bộ phận quan trọng, nó tôn lên vẻ đẹp của bộ áo Cóm. Áo có màu sắc thế nào thì mình chọn khuy áo cho phù hợp; hay như cái đai lưng nó có màu xanh thì phù hợp với nhiều loại màu áo này.
Trước khi lấy chồng mình ít khi mặc áo truyền thống dân tộc này lắm. Bởi vì mình còn đi học, nhưng sau khi lấy chồng rồi thì mình muốn theo phong tục người Thái mình là tằng cẩu trên đầu hay là mặc áo cóm thế này. Khi mặc váy áo cóm mình thấy tự tin vì là người con gái Thái; tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Thái)
Phụ nữ Thái mặc váy, áo cóm đã thướt tha, duyên dáng; lại kết hợp chiếc khăn piêu đội đầu càng tôn thêm vẻ đẹp rực rỡ. Vì thế, dù xã hội ngày một phát triển, giao thoa nhiều trang phục của các dân tộc; nhưng trang phục váy áo truyền thống của phụ nữ Thái vẫn được chị em chưng diện trong đời sống thường ngày; ngày lễ hội của bản, đặc biệt là trong những ngày đầu xuân năm mới, như một nét đẹp văn hóa riêng của dân tộc mình./.